THAM MƯU VÀ CHẤT LƯỢNG THAM MƯU

THAM MƯU VÀ CHẤT LƯỢNG THAM MƯU

Tham mưu là khi một tổ chức hoặc một cá nhân tham gia (tham dự) vào việc đề xuất thiết kế một kế hoạch, một chương trình và tổ chức thực hiện (thi công) các kế hoạch, chương trình của một chủ thể quyền lực lãnh đạo, quản lý nhất định.

 … Tham mưu không chỉ là cơ quan tham dự, đề xuất chủ trương, chính sách cho cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp mình mà còn là cơ quan hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực mình đảm trách cho cấp lãnh đạo, quản lý và cơ quan tham mưu cấp dưới.Xét cả về chức năng tham dự lẫn chức năng hướng dẫn tổ chức thực hiện thì cơ quan và cán bộ tham mưu đều có thuộc tính lãnh đạo, quản lý và đồng thời phải cùng chịu trách nhiệm với cơ quan lãnh đạo quản lý về lĩnh vực mình tham mưu. Không nên hiểu đơn thuần tham mưu chỉ là giúp việc, là bảo sao làm vậy. Tham mưu có trách nhiệm thì đồng thời cũng phải có quyền hạn. Đây là vấn đề lâu nay ít được đề cập tới. Chẳng hạn trường hợp người lãnh đạo gợi ý đề bạt vượt cấp một cán bộ vào cương vị cấp trưởng một cơ quan quản lý cấp cao. Cơ quan tham mưu sau khi nghiên cứu đã trình bày rằng đó là một trường hợp cần thử thách, rèn luyện thêm, trước mắt nên giao đồng chí ấy làm cấp phó một thời gian, nhưng lãnh đạo không những không đồng ý mà lại còn cố thuyết phục, ép buộc cơ quan tổ chức làm thủ tục đề bạt. Sau một thời gian đồng chí được đề bạt mắc nhiều khuyết điểm, có những biểu hiện đạo đức và tài năng không tương xứng với chức quyền, phải nhận kỷ luật và bãi nhiệm. Trong trường hợp này cơ quan tham mưu đã đúng nhưng họ lại không có quyền trong việc ra quyết định đề bạt cán bộ. Đồng chí lãnh đạo thì không thấy phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định sai ấy. Khi tổng kết, kiểm điểm, chỉ kết luận chung chung rằng “trong công tác tổ chức, cán bộ chúng ta đã có khuyết điểm…” nhưng “chúng ta”  là ai? là người đứng đầu cấp uỷ hay là cơ quan tham mưu? trên thực tế không thiếu những trường hợp tương tự như trên ở các cấp, các ngành. Theo chúng tôi, cần có quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan và cá nhân người làm công tác tham mưu để nếu họ đề xuất sai hoặc bỏ sót nhân tài thì phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp họ đúng mà lãnh đạo không nghe thì cá nhân hoặc cơ quan lãnh đạo phải chịu trách nhiệm…

 Bản lĩnh của tham mưu và sử dụng tham mưu: Cơ quan hay cá nhân làm công tác tham mưu đều phải có bản lĩnh, hiểu biết và có một hệ tiêu chuẩn cụ thể, không thể chỉ đơn thuần nói là “có đủ đức, đủ tài”. Theo chúng tôi, người làm công tác tham mưu về tổ chức nhân sự phải:

 Trung thực, thẳng thắn, có thái độ nghiêm túc trong công việc, cần cù, tỉ mỉ, thận trọng.

 Có tính nguyên tắc cao, nhưng xem xét giải quyết công việc cụ thể với thái độ khách quan, biện chứng, không định kiến, hẹp hòi, không bảo thủ, phải căn cứ vào kết quả công việc mà người cán bộ đang làm, phải thấy sự biến đổi của họ trong thực tiễn, bởi trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy, cách xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá. Thí dụ có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng… Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau” (1).

 Không thiên về cảm tính, “không chỉ xem mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ” (2).

 Tuyệt đối không có đầu óc vụ lợi, thiên vị, xen động cơ cá nhân (cách hẩu, phe phái, bạn hữu, dòng tộc…) vào xem xét đề xuất, giải quyết công tác nhân sự. Trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, phấn đấu vì hôm nay và tương lai tốt đẹp của đất nước là nguyên tắc cao nhất và là lẽ sống của người làm công tác tham mưu.

 Nhất thiết phải là người cương nghị, có chính kiến, dũng cảm và đức hy sinh. Dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh để bảo vệ chân lý, không sợ bị cấp trên trù dập. Nếu tham mưu là những người quen lối làm việc dĩ hoà vi quí, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào, không tuân theo nguyên tắc, chỉ quen “nghe ngóng”, “gió chiều nào che chiều ấy”, “ăn theo, nói leo” thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh.

 Phải có năng lực chuyên môn, tinh thông về lĩnh vực mình đảm trách. Nói cách khác, người làm nghề tham mưu phải có tính chuyên nghiệp cao. Đây là chỗ mạnh của tham mưu mà người lãnh đạo, quản lý cần đến họ.

 Người lãnh đạo, quản lý hơn người tham mưu ở sự khái quát, ở tầm bao quát toàn thể, toàn cục nhưng lại kém người tham mưu ở chuyên sâu, cụ thể và những kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết. Có thể hình dung mối quan hệ giữa tham mưu với lãnh đạo, quản lý là sự gắn bó hữu cơ, tất yếu của quá trình ra các quyết định của lãnh đạo, quản lý… Tài năng và trách nhiệm của tham mưu là khả năng chuyên sâu để đưa ra các phương án, kế hoạch, chương trình, các phương án và tính toán dự báo có căn cứ về tính hiệu quả và hệ quả của từng chương trình, phương án. Tài năng và trách nhiệm của nhà lãnh đạo, quản lý là biết lắng nghe, biết so sánh, biết thảo luận, tranh luận và cuối cùng là lựa chọn phương án, chương trình tối ưu và ra quyết định. Khi đã quyết định rồi thì lãnh đạo, quản lý là người chịu trách nhiệm trước tiên và cuối cùng về kết quả, hệ quả của những quyết định ấy. Tham mưu chỉ chịu trách nhiệm trước các cơ quan lãnh đạo, quản lý về các kịch bản mà mình đề xuất, họ chỉ phải chịu trách nhiệm gián tiếp trước xã hội về những quyết định do họ đề xuất với tư cách là tham mưu. Tham mưu sẽ vô can trong việc ra quyết định sai lầm của lãnh đạo, quản lý nếu đã trung thực, dũng cảm, khẳng khái can ngăn trước khi lãnh đạo, quản lý ra quyết định theo ý riêng và quyền hạn của họ. Điều này nếu được ghi rõ trong quy chế làm việc sẽ có tác dụng tích cực trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm của cả cơ quan (hoặc cá nhân) tham mưu lẫn cơ quan (hoặc cá nhân) lãnh đạo, quản lý trong việc ra quyết định.

 Bản lĩnh của nhà lãnh đạo, quản lý bao gồm một hệ tiêu chuẩn được quy định trong quy trình chọn lựa, cất nhắc và quản lý cán bộ các cấp đã được xác định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Bài viết này chỉ đề cập tới một nội dung là bản lĩnh của người lãnh đạo, quản lý trong việc chọn lựa và sử dụng tham mưu.

 Cơ bản nhất là động cơ, thái độ trong việc lựa chọn và sử dụng tham mưu, biết rõ tham mưu là một khâu quan trọng trong lãnh đạo, quản lý. Xét về việc hoạch định chính sách, tổ chức và điều hành thì bất kỳ nhà lãnh đạo, quản lý nào, dù tài giỏi đến mấy, cũng không thể tự mình giải quyết một cách thông thái mọi vấn đề, nhất là những vấn đề khó khăn và phức tạp. Sử dụng tham mưu là biện pháp quan trọng để khắc phục mặt hạn chế ấy. Lịch sử đã cho thấy các vĩ nhân làm nên sự nghiệp lớn đều cần có tham mưu giỏi. Lê Lợi vĩ đại, lập được chiến công hiển hách làm rạng rỡ non sông đất nước là nhờ biết dùng “Bình Ngô sách” của Nguyễn Trãi và có Nguyễn Trãi sớm hôm cùng nằm gai nếm mật bàn bạc quân cơ. Hồ chí Minh là bậc thầy cho muôn đời về tài nghệ dùng người và phát huy tài năng của mọi lớp người giúp vào việc làm giầu trí tuệ thiên tài của một vĩ nhân, để cùng Người mưu sự đại thành. Động cơ vì đại nghĩa, phò dân, giúp nước thì sẽ thu phục được nhiều người có đức tài giúp sức, sẽ có những tham mưu giỏi và biết sử dụng, phát huy họ cùng mình làm nên nghiệp lớn.

 Có dũng khí mới dùng được người tài giỏi hơn mình. Cha ông ta đã để lại những bài học sâu sắc. Tục truyền rằng ở nước ta thời kỳ trung đại, từng có nhà vua thiết triều bàn việc xây dựng và phòng thủ đất nước, khi nêu ý kiến mình, nhà vua hỏi quần thần thì có một người khúm núm tâu rằng: “Bệ hạ anh minh, mọi điều Người vừa nêu ra đều là những lời vàng ngọc, sáng suốt như ý trời vậy. Quần thần xin lĩnh ý làm theo”. Nhà vua ngắt lời mà than rằng: “Nếu quả các khanh đều nghĩ như nhà ngươi thì xã tắc lâm nguy rồi. Các người nên biết cuộc kháng chiến vừa qua nhờ khí thiêng sông núi, trăm họ một lòng và bách quan góp sức bày vẽ mưu lược nên mới đánh bại được quân thù chứ đâu phải chỉ là công lao của mình trẫm. Nay đất nước tuy đã thanh bình nhưng bên trong dân tình còn đói kém, việc nông điền chưa được mở mang, bên ngoài thì kẻ thù vẫn lăm le dòm ngó mà triều đình ta không ai sáng suốt hơn trẫm, chỉ một mình trẫm nghĩ ra được có từng ấy điều thôi, như vậy hoá ra hào khí, tinh anh của nước Đại Việt ta đã tắt lịm rồi ư?”. Với tấm lòng trung thực, cởi mở của nhà vua, cả triều đình như được tiếp thêm sức mạnh, ai ai cũng xin được tỏ bày, hiến kế, nhờ đó nhà vua đã có thêm nhiều kế sách để đưa đất nước vào thời cực thịnh.

 Khi đã ở cương vị cao, có quyền và trách nhiệm sắp xếp nhân sự, chuẩn bị lớp cán bộ kế tục thì phải lấy việc nước làm trọng, vì sự nghiệp tương lai của dân tộc mà tiến cử người tài, chứ không phải tiến cử những người thân cận, từng phục vụ mình như là một việc tri ân, Hồ Chí Minh đã khuyên không nên “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn” hoặc “ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực… (3).

 … Người lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh khi dùng tham mưu phải rất coi trọng phát huy dân chủ. Dân chủ trong tư tưởng và trong hành động, dân chủ phải chở thành thói quen và lối sống để biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tham mưu, có biết làm cho cán bộ tham mưu dám “mở mồm ra” (lời Bác Hồ) mà nói hết ý kiến của mình thì người lãnh đạo, quản lý mới có đủ thông tin mà quyết định đúng. Như vậy, phải lấy dân chủ làm tiền đề, dân chủ trước tập trung sau thì nguyên tắc tập trung dân chủ mới thực sự phát huy tác dụng.

 Người lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh là những người biết cách hiểu thấu tham mưu của mình để vừa biết quản lý, tạo điều kiện cho họ làm tốt nhiệm vụ, vừa biết đánh giá đúng họ để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết, nhược điểm và giúp họ sửa chữa sai lầm. Nói gọn lại, nhà lãnh đạo, quản lý phải biết xây dựng bộ máy tham mưu vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, có lối sống lành mạnh để có những người làm công tác tham mưu vừa là những người đồng chí trung thực, trợ thủ đắc lực, vừa là những người bạn tâm phúc của mình. Muốn vậy, thì bản thân nhà lãnh đạo, quản lý phải là những người xứng đáng với chức quyền mà họ đang nắm giữ, họ phải có một cuộc sống riêng trong sạch và phải là những người nhân hậu, trung thực, thuỷ chung, là những người cấp dưới ai cũng tin cậy, yêu mến, khâm phục, ai cũng muốn tỏ bày lòng trung thành, sẵn sàng chia sẻ và hi sinh vì người lãnh đạo, quản lý kính yêu của họ./.

 

                                                        (Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng số 6-2010)

__________________

 (1, 2, 3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2002, tập 5, trang 278, 279.

 

  

 

 

Share this post